Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Thủ tướng Chu Ân Lai là người có công lao rất lớn trong việc bảo vệ các cán bộ cao cấp của Trung Quốc khỏi sự bức hại của “Bè lũ bốn tên”. Trong số đó phải kể đến 8 cán bộ cao cấp được ông bảo vệ bằng cách chuyển đến “lao động” tại Nhà máy ôtô số 27 ở Bắc Kinh. Những cán bộ này sau khi Cách mạng văn hóa kết thúc đã quay trở lại công tác và nắm giữ những chức vụ cao cấp trong Đảng và chính quyền trung ương Trung Quốc…
Tháng 9/1968, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phái một nhóm nhân viên tin cậy đến Nhà máy ôtô số 27 (Bắc Kinh) để thực thi một nhiệm vụ đặc biệt. Đầu năm 1969, nhóm này nhận được chỉ thị từ trung ương về việc sắp xếp cho một vài cán bộ bị chèn ép, bức hại trong Cách mạng văn hóa, không thể công tác bình thường về làm việc tại Nhà máy ôtô số 27. Mệnh lệnh này được ban hành theo kiến nghị của Thủ tướng Chu Ân Lai.
Bắt đầu từ sau khi “phái tạo phản” ở Thượng Hải giành được quyền lực trong Đảng và chính quyền ở thành phố Thượng Hải, cuộc đấu tranh giành quyền lực đã lan ra khắp Trung Quốc. Rất nhiều lãnh đạo Đảng và chính quyền ở các tỉnh, thành phố, khu vực không chỉ ngày đêm bị những phần tử thuộc “phái tạo phản” phê bình mà an toàn tính mạng của họ cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

TR14_144_Chu_An_Lai
Lấy lý do triệu tập kỳ họp bất thường, trung ương Đảng Trung Quốc đã đưa một số cán bộ chủ chốt về Bắc Kinh và sắp xếp phân tán họ ở một vài nơi khác nhau. Tuy nhiên không biết nhờ đâu mà “phái tạo phản” đã có được thông tin nên chỉ trong một đêm, một số cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh được giấu ở một căn nhà thuộc phố Nam Trường (Bắc Kinh) đã bị bắt đi. Những người khác được bố trí ở các nhà khách của Văn phòng thường trực Trung ương Đảng và Bộ Tổ chức trung ương cũng bị chung số phận.
Sau khi sự việc xảy ra, Chu Ân Lai một mặt ra lệnh cho lực lượng cảnh vệ thành phố Bắc Kinh phải nhanh chóng tìm kiếm những người đã bị bắt mang đi, mặt khác ông lập tức báo cáo tình hình với Mao Trạch Đông đồng thời nghiên cứu tìm ra biện pháp nghiêm ngặt hơn để bảo vệ những cán bộ cao cấp chưa bị “phái tạo phản” bắt giữ.
Được sự đồng ý của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã đưa một số cán bộ cao cấp đến Nhà máy ôtô số 27, Nhà máy ôtô Nam Khẩu và Nhà máy in Tân Hoa với danh nghĩa “đưa đi lao động” để bảo vệ họ. Những đơn vị trên đều thuộc quyền quản lý của lực lượng cảnh vệ trung ương. Đây là lực lượng trung thành tuyệt đối với Mao Trạch Đông. Trước khi chuyển những cán bộ này đến nơi, Chu Ân Lai đã ra lệnh cho đơn vị tiếp nhận họ phải hoàn thành tốt các công tác chuẩn bị bao gồm:
Thứ nhất: Phải tuyệt đối bảo đảm bí mật và bảo vệ tuyệt đối những cán bộ đó không bị bắt đi hay bị làm phiền trong thời gian  họ ở nhà máy.
Thứ hai: Thu xếp cuộc sống cho những cán bộ được bảo vệ bao gồm chỗ ăn ở, chăm sóc y tế, phương tiện đi lại.
Thứ ba: Căn cứ điều kiện sức khỏe của từng người để sắp xếp những công việc nhẹ nhàng phù hợp thuận lợi cho việc tiếp cận với quần chúng, công nhân hay hoạt động một số công tác đoàn thể.
Thứ tư: Trong trường hợp họ có yêu cầu hay gặp khó khăn gì hoặc muốn liên lạc với trung ương phải ngay lập tức gửi lên trung ương.
Những yêu cầu chuẩn bị trên được đích thân Chu Ân Lai kiểm tra và theo dõi rất chặt chẽ. Chu Ân Lai đã từng phát biểu rằng: “Truyền thống lịch sử cách mạng là thuộc về một lớp người, bảo vệ cán bộ về một ý nghĩa nào đó cũng chính là bảo vệ truyền thống cách mạng và lịch sử cách mạng”.
Bắt đầu từ năm 1969, với danh nghĩa trung ương, Chu Ân Lai đã thu xếp để 8 cán bộ cao cấp được bảo vệ tại Nhà máy ôtô số 27 (Bắc Kinh). Những cán bộ được bảo vệ lúc đó bao gồm :
Từ Hướng Tiền – Nguyên soái nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương.
Thượng tướng Trương Tông Tốn – Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục Huấn luyện Bộ tổng tham mưu Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc.
Trung tướng Vương Ân Mậu – Bí thư thứ nhất Quân ủy Khu tự trị Ngô Duy Nhĩ, Tư lệnh Quân khu, Bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân khu Tân Cương.
Giang Hoa – Bí thư Ban bí thư Cục Hoa Đông thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Chính hiệp tỉnh Chiết Giang, Chính ủy Quân khu Nam Kinh.
Giang Vị Thanh – Bí thư Ban bí thư Cục Hoa Đông thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Chính hiệp tỉnh Giang Tô, Chính ủy Quân khu Nam Kinh.
Trương Bình Hoa – Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Chính hiệp tỉnh Hồ Nam, Ủy viên thường vụ Cục Trung Nam thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Ban bí thư Cục Trung Nam, Phó bộ trưởng Bộ Tuyên truyền.
Hoàng Âu Đông – Tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh, Bí thư Ban bí thư Cục Hoa Đông thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc
Chu Đức Hải – Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng Tỉnh Cát Lâm, Chính ủy Quân khu Diên Biên.
Những cán bộ cao cấp được bảo vệ tại Nhà máy ôtô số 27 khi đó có người đã 68 tuổi và trẻ nhất cũng đã 56 tuổi. Họ đều được xem là tài sản quý giá và là những lãnh đạo trụ cột của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Căn cứ tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai, tất cả nhân viên thuộc Nhà máy ôtô số 27 phải đảm bảo bí mật những thông tin về sự có mặt của những cán bộ cao cấp trên, tuyệt đối không được tiết lộ ra ngoài. 8 cán bộ cao cấp trên được bố trí ở trong khu nhà tiện nghi nhất của nhà máy, vốn được xây dựng dành cho các chuyên gia Liên Xô. Khu vực này được tăng cường thêm một phòng trực ban để bảo vệ hoặc liên lạc với trung ương trong trường hợp cần thiết.
Thời gian đầu, ban ngày đều có cảnh vệ bên cạnh những cán bộ trên khi họ làm việc tại nhà máy và ban đêm thì có lực lượng tuần tra xung quanh nơi ở. Trong trường hợp cần chăm sóc y tế sẽ có bác sĩ của nhà máy đến tận nơi để khám bệnh hoặc chuyển trực tiếp đến Bệnh viện 301 (bệnh viện chuyên dành cho các lãnh đạo trung ương) để chữa trị.
Sau khi được chuyển đến Nhà máy ôtô số 27, trong số các cán bộ cao cấp có Nguyên soái Từ Hướng Tiền do tuổi đã cao và sức khỏe yếu nên ông tự sắp xếp công việc, còn những người khác đều tham gia công việc sản xuất của Nhà máy ôtô số 27 như những công nhân bình thường. Ban đầu họ được giao công việc nhổ đinh khỏi những tấm ván gỗ sau đó theo yêu cầu họ được chuyển sang một công việc mang tính kỹ thuật hơn là xưởng gia công.
Công việc của nhóm cán bộ cao cấp là mài giũa các chi tiết của xe ôtô. Chỉ trong một thời gian ngắn họ đã học và sử dụng thành thạo các máy móc và kết quả công việc không kém gì so với những công nhân thực thụ. Trong số đó phải kể đến Trung tướng Vương Ân Mậu, vốn xuất thân là một công nhân quốc phòng nên ông nhanh chóng học và sử dụng thành thạo những máy móc hiện đại nhất của nhà máy lúc đó.
Mỗi ngày các cán bộ cao cấp đều làm việc đủ 8 tiếng đồng hồ như các công nhân bình thường. Ngoài công việc hàng ngày ở nhà máy, họ còn rất hòa đồng và chủ động tiếp cận trò chuyện học hỏi các công nhân. Và theo yêu cầu của công nhân, những cán bộ cao cấp thường kể lại các câu chuyện về cuộc Vạn lý trường chinh, chiến tranh kháng Nhật và chiến tranh giải phóng. Ngoài ra họ còn góp ý cho các cán bộ của nhà máy về các biện pháp quản lý sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu…
Ngày 17/10/1969, Lâm Bưu đưa ra “Thông báo khẩn cấp về việc tăng cường chuẩn bị đề phòng địch tấn công bất ngờ”, theo đó những cán bộ cao cấp đang phải “lao động” như Từ Hướng Tiền, Giang Hoa, Giang Vị Thanh, Chu Đức Hải… sau khi nhận được thông báo phải rời khỏi nơi đang “lao động” nhưng không ai được biết họ sẽ bị đưa đến đâu. Nguyên soái Từ Hướng Tiền là người đầu tiên rời khỏi Nhà máy ôtô số 27 và cuối cùng là Trương Tông Tốn, Vương Ân Mậu đều rời đi vào năm 1972. Sau khi Cách mạng văn hóa kết thúc, những cán bộ cao cấp trên đều được phục hồi công tác:
Nguyên soái Từ Hướng Tiền được bổ nhiệm chức vụ Phó thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1978-1980), Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (1983-1988).
Trương Tông Tốn: Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, Ủy viên Ủy ban Chính hiệp toàn quốc, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vương Ân Mậu: Phó chủ tịch Ủy ban Chính hiệp toàn quốc.
Trương Bình Hoa: Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền (1977-1978), Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giang Vị Thanh: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Chính hiệp toàn quốc.
Hoàng Âu Đông: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chu Đức Hải: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Chính hiệp toàn quốc.
Tháng 1/1975, Giang Hoa được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và năm 1980, ông được giao phụ trách việc xét xử tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh…
Ngoài 8 người trên, trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai còn chỉ đạo, bố trí cho hơn 10 cán bộ cao cấp, học giả và nhân sĩ có uy tín khác được bảo vệ an toàn tại Nhà máy ôtô số 27 (Bắc Kinh)
Theo báo công an nhân dân